Không phải loại gỗ công nghiệp nào cũng kém bền cũng như không phải loại gỗ tự nhiên nào giá cả cũng đắt đỏ. Hãy cùng chúng tôi so sánh giữa gỗ đặc tự nhiên và gỗ công nghiệp bề mặt dán gỗ tự nhiên (Veneer) để giúp khách hàng có được sự lựa chọn phù hợp nhất cho gia đình mình.
Các đồ nội thất trong nhà được làm bằng gỗ thường là: sofa phòng khách, giá sách, tủ kệ bếp, giường ngủ, bàn làm việc, sàn nhà, cầu thang… Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt gỗ Veneer và gỗ tự nhiên.
Gỗ Veneer:
Bề mặt Veneer.
Là những lát gỗ mỏng được bóc tách ra từ những tấm gỗ hộp. Chúng ta có thể tưởng tượng nó mỏng như một tờ giấy và đương nhiên là vẫn đảm bảo có thể thao tác chà nhám hay là sơn phủ trên bề mặt. Những lát gỗ mỏng này sẽ được dán lên trên bề mặt gỗ khác (thường là gỗ tràm bông vàng, cao su, thông, gỗ tạp hoặc ván công nghiệp MDF, HDF .vv..vv). Hiện nay tại thị trường Việt Nam, gỗ Veneer thường là: Sồi trắng, Xoan đào, Căm xe… Để có thể lạng được những lát gỗ mỏng như vậy, nhà sản xuất bắt buộc phải chọn phần cây gỗ đẹp nhất, không bị mắt, không bị nứt hoặc bị sâu ăn. Vì vậy những sản phẩm nội thất Veneer sẽ có được bề mặt rất đều và đẹp.
Tủ bếp gỗ Veneer.
Những tấm ván gỗ phủ Veneer thường được sử dụng cho những bộ phận đòi hỏi cần phải có bề mặt lớn, phải đảm bảo không bị cong vênh, nứt trong quá trình sử dụng. VD: khung bao cửa gỗ, thùng tủ bếp, thùng tủ áo, tủ tivi, mặt bàn, cánh tủ theo phong cách hiện đại hoặc những chi tiết trang trí như: chỉ len, ốp cột, ốp lam-ri …
Đôi khi chúng ta hay bắt gặp những phần Veneer gỗ bị bong tróc hay bị rộp trên bề mặt sản phẩm nội thất. Và từ đó dẫn đến quan niệm là gỗ Veneer có chất lượng kém hơn gỗ tự nhiên nguyên chất, gỗ đặc. Ngoài ra còn do thói quen từ thời xa xưa trong cách sử dụng đồ gỗ của người Việt Nam cho rằng gỗ đặc là tốt nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu cốt gỗ Veneer đảm bảo cùng kỹ thuật dán bề mặt đúng tiêu chuẩn thì sản phẩm sẽ có được tuổi thọ và độ bền cao.
Gỗ đặc tự nhiên:
Nếu so sánh gỗ tự nhiên và gỗ Veneer ta sẽ thấy gỗ tự nhiên là những thanh gỗ hoặc tấm gỗ được cắt trực tiếp từ những thanh gỗ đã được xẻ theo quy cách (vd: dày 20mm, 26mm, 45 mm, 52mm….)
Gỗ đặc thường được dùng cho những bộ phận như cánh cửa gỗ phòng ngủ, cánh tủ bếp gia đình, tủ áo, tủ tivi, ván sàn… Hoặc cho những họa tiết chạm khắc hoa văn.
Tuy nhiên, để sản phẩm gỗ tự nhiên sử dụng được bền lâu, thì bản thân gỗ nguyên liệu phải được trải qua quá trình tẩm sấy. Và độ ẩm thích hợp là từ 14%-16%. Hiện tại, chỉ có gỗ nguyên liệu Bắc Mỹ hoặc Châu âu là có thể sấy được đến độ ẩm này (vd: gỗ Sồi trắng – White Oak, Tần bì – White Ash, Dẻ gai – Beech, gỗ Thích vv.vv).
Sàn gỗ tự nhiên.
Những sản phẩm sử dụng loại gỗ đã được tẩm sấy sẽ có độ ổn định trong quá trình sử dụng rất cao, gổ không bị co ngót, cong vênh. Và thường thì độ dày khi hoàn thiện của sản phẩm thường là 23mm, 45mm.
Nội thất gỗ tự nhiên có độ bền rất cao cùng vẻ đẹp riêng biệt, đẳng cấp. Tuy nhiên do có giá đắt đỏ nên chỉ những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả mới có thể sử dụng.